Dịch tả lợn châu Phi đang có dấu hiệu bùng phát ở khu vực miền nam Trung Quốc sau mưa lớn và lũ lụt, gây ảnh hưởng tới mục tiêu của Bắc Kinh trong việc khôi phục lại nguồn cung thịt lợn sau đợt dịch năm ngoái.
Năm 2019, đàn lợn Trung Quốc với quy mô lớn nhất thế giới đã sụt giảm 180 triệu con (tương đương với 40%) sau dịch bệnh tả lợn. Trung Quốc đã gặp phải cuộc khủng hoảng thịt lợn nghiêm trọng vì sự sụt giảm nguồn cung. Vì vậy, khi dịch tả bắt đầu có dấu hiệu được kiểm soát, các nhà sản xuất lợn Trung Quốc đang xây dựng các nông trại lợn để bù đắp sự thiếu hụt đã khiến giá thịt lợn ở quốc gia này tăng chóng mặt.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Zheng Lili từ công ty tư vấn Shandong Yongyi, mưa lớn và lụt lội ở miền nam Trung Quốc từ giữa tháng 6 dường như đang làm bùng phát trở lại dịch tả lợn.
Một nghiên cứu do Shandong Yongyi tiến hành trên các nông dân nuôi lợn quy mô nhỏ, các công ty chăn nuôi, lò giết mổ và các doanh nghiệp thu mua lợn ở 20 tỉnh cho thấy dịch tả lợn châu Phi đã bùng trở lại sau khi mưa lớn xảy ra ở tỉnh Quảng Đông, khu vực Quảng Tây và các khu vực khác.
Những trại nuôi lợn tầm trung và quy mô lớn đều bị dịch làm ảnh hưởng.Các nhà phân tích cho rằng nông dân Trung Quốc thường có xu hướng chôn lợn bị nhiễm bệnh và nước mưa có thể đã làm lây lan mầm bệnh thông qua nguồn nước ngầm.
Bộ Nông nghiệp và Các vấn đề Nông thôn Trung Quốc đã ám chỉ rằng dịch bệnh dường như lây lan trở lại trước đợt mưa, lũ.
Tỉnh Quảng Đông, khu vực Tứ Xuyên và Giang Tây đều chưa lên tiếng về thông tin này. Trong khi đó, một quan chức về thú y ở Quảng Tây nói với Reuters rằng họ chưa nhận được thông báo liên quan tới tả lợn châu Phi trên toàn khu vực trong thời gian gần đây. Nếu mưa lớn còn tiếp tục diễn ra trong suốt tháng 7, dự trữ lợn ở các tỉnh Tứ Xuyên, Quảng Đông, Quảng Tây và Giang Tây có thể bị sụt giảm 20% vào tháng 8 so với tháng 5